Nếu đã một lần may mắn được chạm tay vào chiếc áo khoác vải tweed của nhà Chanel, bạn sẽ nhận ra rằng, chiếc áo huyền thoại này không phải làm bằng vải mà được dệt nên từ phép màu, lòng kiêu hãnh và sự cô đơn của một nữ thiết kế đại tài.

Từ chất vải tweed thượng hạng cho đến. Những đường may sắc nét hay từng chiếc cúc áo biểu tượng, tất cả chi tiết hoàn mỹ nhất dường như đều hội tụ đầy đủ trên chiếc áo tweed jacket của Mademoiselle Chanel. Mẫu áo khoác này đã trở thành di sản của thương hiệu logo 2 chữ C. Là một biểu tượng truyền đời của thời trang, nhưng ít ai biết, loại vải tweed đặc biệt và tinh thần thoải mái ẩn giấu trong chiếc áo tweed jacket chính là tín vật tình yêu và sự tưởng nhớ của Chanel dành cho ngài Bá tước xứ Westminster. Ông là một trong những người đàn ông có công lớn trong sự nghiệp thời trang của Coco Chanel và cũng là trái tim đã hiến dâng cho bà một tấm chân tình sâu sắc.

Huyền thoại Coco Chanel và Bá tước Hugh Richard Arthur Grosvenor tại một cuộc đua ngựa năm 1924

BẮT ĐẦU TỪ MỘT KẾT THÚC

Phong lưu trên đường tình, lẻ loi trên đường đời. Đây có lẽ là câu nói chính xác nhất để phác họa cuộc đời thăng trầm của huyền thoại thời trang vang bóng một thời, Coco Chanel. Rời khỏi cô nhi viện năm 18 tuổi, Coco nhanh chóng trải qua một cuộc tình chớp nhoáng với chàng sĩ quan kỵ binh étienne Balsan. Sau đó, những tưởng bà hoàng thời trang sẽ có cuộc tình hạnh phúc hơn với tay chơi polo đào hoa Arthur Edward ‘Boy’ Capel. Thế rồi bi kịch kéo đến khi mối tình khắc cốt ghi tâm của Chanel bỏ lại bà sau gần 10 năm nồng thắm để cưới một tiểu thư giàu có nước Anh. Cuộc đời Chanel tiếp tục những chuỗi ngày truân chuyên khi Boy Capel đột ngột ra đi trong một tai nạn xe hơi vào năm 1919. Lúc đó, Chanel rơi vào khủng hoảng trầm trọng cho đến khi có cơ duyên quen biết Bá tước xứ Westminster, Hugh Richard Arthur Grosvenor, một trong những người đàn ông giàu nhất Vương quốc Anh năm 1923.

10 năm chung sống với Bá tước Hugh Grosvenor có lẽ là thập kỷ bình yên nhất trong cuộc đời đầy kịch tính của huyền thoại thời trang này. Một cuộc sống vui thú điền viên đã giúp Chanel lấy lại cân bằng trong tâm hồn và nguôi ngoai những nỗi đau đã qua. Khi cùng người tình trải qua quãng thời gian thanh thản ở điền trang Rosehall tại Scotland, Chanel đã từng nhiều lần mượn chiếc khoác thể thao của ngài Bá tước trong những buổi câu cá. Đây chính là khi bà phát hiện sự thoải mái trong chiếc áo jacket của nam và nảy ra ý tưởng hóa phép cho thời trang nữ làm sao có được sự thanh thản và thoải mái đó. Năng khiếu thời trang của bà dường như luôn tiềm ẩn mạnh mẽ trong máu huyết của bà. Chính trong giai đoạn này, Coco đã tinh ý khám phá ra sự tiện dụng, bền chắc nhưng không kém phần thanh lịch của chất liệu vải tweed. Năm 1924, Chanel đã chiêu mộ một xưởng dệt vải tweed ở Scotland để tạo ra loại vải đặc trưng cho thương hiệu của mình. Mademoiselle Chanel chọn bảng màu lấy cảm hứng từ vùng quê Scotland, điển hình là màu lá cây, đất, màu trời, nhẹ nhàng và thanh thản như tâm hồn của chính bà, để dệt nên những thước vải tweed đầu tiên.

Khoảng năm 1927, cả nước Anh dấy lên một tin đồn Chanel sẽ là Nữ bá tước mới của Westminster. Trong sự hy vọng của mọi người về việc người đàn bà cô đơn này sẽ thôi lẻ bóng, Chanel lại hiên ngang phát ngôn “Ai cũng có thể là Nữ bá tước xứ Westminster nhưng chỉ Coco Chanel là duy nhất” . Câu nói này đã thay lời chia tay của Chanel với Hugh Grosvenor, tất nhiên cũng đặt dấu chấm hết cho cuộc tình của họ. Tuy nhiên, dư vị tình yêu của ngài Bá tước vẫn trường tồn trong trái tim của Chanel và tạo cảm hứng thời trang kéo dài đến nhiều năm sau cho bà, khi nữ thiết kế tài ba trình làng bộ suit đầu tiên với chiếc áo tweed jacket biểu tượng.

Chanel Serum Le Blanc – Kẻ kiến tạo vẻ trắng sáng khỏe mạnh

Những bí mật thú vị về mẫu túi xách Gabrielle – Chanel 2017

TINH THẦN THOẢI MÁI THƯỢNG TÔN

Sau 9 năm sống lưu vong tại Thụy Sỹ, “đứa con cưng của nước Pháp” đã làm một cuộc hồi hương đầy ngoạn mục. Chanel đánh dấu sự trở lại tại kinh đô Paris hoa lệ bằng một bộ suit gồm áo khoác và chân váy đầy lịch lãm, mạnh mẽ. Cùng với bộ suit đó là sự ra đời một cách tự nhiên của chiếc áo khoác vải tweed kinh điển vào năm 1954.

Giữa thời đại nhiễu nhương của những chiếc váy phồng tầng tầng lớp lớp và các gọng corset bó chặt vòng eo của phái nữ, Chanel đã liều lĩnh tung ra một chiếc áo khoác mang đẳng cấp riêng biệt, đứng dáng, cấu trúc vuông vắn, đóng tại hai mép.

Vải tweed được tạo nên từ kỹ thuật dệt vân chéo tại Scotland
Coco Chanel đang chỉnh sửa bộ suit cho diễn viên Romy Schneider năm 1960

“Tôi vốn ngưỡng mộ phụ nữ, tôi muốn khoác lên người họ những gì có thể cho họ sự thoải mái, cho phép họ lái xe ôtô và đồng thời tôn vinh sự nữ tính của họ”, và vì lẽ đó “người phụ nữ của Paris” đã biến chiếc áo tweed jacket trở nên hoàn hảo như lớp da thứ hai của phụ nữ. Little tweed jacket của Chanel là một trong rất ít tác phẩm thời trang hội tụ đầy đủ tinh hoa trên khắp hành tinh này. Đó là chiếc áo được bắt nguồn từ sự thoải mái, trang nhã trong trang phục của Bá tước Anh, dệt nên bởi chất vải đặc sản của Scotland và lấy cảm hứng nghệ thuật từ chiếc áo khoác của chàng gác cổng tại khách sạn Baron Pantz ở Áo. Như một sự súc tích và cô đọng của thời trang, chiếc áo khoác vải tweed đã bất chấp tất cả lề thói cổ hủ của xã hội để đem đến cảm giác nhẹ nhàng và tự do cho người mặc. Bằng tài nghệ may vá điêu luyện và sự sáng tạo thiên bẩm, Coco giữ được cấu trúc thẳng bằng cho chiếc áo đường chỉ xuôi, không chít ngực nhưng đồng thời vẫn đảm bảo sự uyển chuyển của thiết kế này. Bà hoàng thời trang đã mạnh dạn lược bỏ những phần vải bồi và miếng độn vai làm cho chiếc áo bị cứng nhắc. Thân trước và thân sau của áo được trợ nối bằng một miếng lát dọc, với mục đích làm tăng sự linh hoạt của chiếc áo. Tay áo được ráp cao trên vai nhằm mang đến cho người mặc sự thoải mái tối đa trong mọi hoạt động. Ngoài ra, đường cong nhẹ ở tay áo và ô vải đệm bên trong tay áo đều là những yếu tố chuyển tải tâm niệm của Chanel giải phóng phụ nữ khỏi những quy tắc tù túng trong thời trang. Để đảm bảo sự tự do tuyệt đối khi cử động, Mademoiselle Chanel luôn lấy số đo của các khách hàng khi để tay họ bắt chéo lên vai, một việc mà không có một nhà thiết kế nào từng làm khi may đồ cho phái nữ.

Bức tượng hình áo khoác Chanel cao 20 mét ngự trị một cách hoàn mỹ ở giữa sân khấu tại show diễn haute couture Xuân Hè 2008

Số lượng ô vải trên lớp lót tương ứng với số lượng ô vải trên lớp vải tweed và được bố trí một cách tương đồng. Sự chuyển động hài hòa của hai lớp vải chính là kết quả của cuộc tìm kiếm sự tiện lợi cho phụ nữ không ngừng nghỉ của Mademoiselle Chanel. Để chiếc áo khoác sở hữu độ buông thẳng hoàn hảo, một chuỗi dây xích đồng được đính ở tà dưới của áo rồi được giấu vào trong biên gập của lớp lót. Thời trang không phải là hình thức bên ngoài mà chính là cốt cách bên trong. Vì tất cả chi tiết đều cần phải phục vụ cho sự ứng dụng cao, Chanel đã thiết kế những chiếc túi để người mặc có thể bỏ tay vào, một cử chỉ vốn được xem là nam tính vào thời ấy.

CHIẾC ÁO KHOÁC CỦA ÔNG TRÙM TÓC BẠC

Khi huyền thoại ra đi, chiếc áo tweed jacket truyền lại cho hậu bối Karl Lagerfeld. Người đàn ông được cho là đã bán linh hồn cho quỷ dữ để đổi lại khối óc sáng tạo vô tận, đã thổi hồn để chiếc jacket mãi là huyền thoại đến ngày nay. Năm 1985, Karl Lagerfeld kết hợp táo bạo chiếc áo khoác trên với quần jeans và áo thun sọc ngang thuỷ thủ. Đến mùa hè năm 1992, cả làng mốt lại hoảng hốt khi Uncle K biến hóa nó cùng loại vải bông xù đặc biệt. Dường như chưa thỏa mãn tiềm năng sáng tạo của bản thân, ông trùm tóc bạc tiếp tục cách tân chiếc áo này với vải lông nhân tạo và dây bện vào mùa đông năm 1994. Vượt lên mọi giới hạn thời trang, thiết kế tweed jacket được bất ngờ biến tấu một cách nổi loạn với vật liệu neoprene bóng, kết hợp cùng quần shorts kết sequin. Trường tồn vĩnh viễn với thời gian, chiếc áo khoác của Chanel đã chứng minh khả năng “gây giông bão” qua hàng thập kỷ mỗi lần tung hoành trên sàn catwalk. Show trình diễn thời trang haute couture Xuân – Hè 2008 đã tôn vinh hình tượng chiếc tweed jacket kinh điển bằng bức tượng hình áo khoác Chanel cao 20 mét ngự trị một cách hoàn mỹ ở giữa sân khấu, như một yếu tố trang trí làm nổi bật những biến tấu mới lạ nhất của chiếc áo này.

1961 – Minh tinh huyền thoại Elizabeth Taylor tại liên hoan phim Moscow
1963 – Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy đã mặc bộ suit hồng vào ngày chồng bà bị ám sát
1997 – Công nương Diana mặc bộ suit màu xanh ngọc trong chuyến thăm bệnh viện Great Ormond Street
1967 – Công nương Grace Kelly và công chúa Stephanie
2012 – Bức ảnh của diễn viên Sarah Jessica Parker trong bộ suit đen ở Triển lãm The Little Black Jacket
2015 – Diễn viên Julianne Moore trong bộ suit ánh kim tại tiệc triển lãm của Chanel ở Saatchi Gallery, London